“Đức Giêsu và các môn đệ đi băng qua miền Galilê. Nhưng Đức Giêsu không muốn cho ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại". Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người” ( cc. 30 – 32 ).
“Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Capharnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?" ( c. 33 ). Khi còn đi trên đường, mặc dù không hiểu những gì Đức Giêsu nói về cái chết và sự phục sinh của Người, nhưng các môn đệ đã không dám hỏi người. Bây giờ, khi đã vào nhà, chính Đức Giêsu chủ động đặt câu hỏi đối với các ông về chuyện các ông nói với nhau khi đi đường.
Ảnh từ internet |
Vừa về đến nhà, Đức Giêsu đã đặt câu hỏi ngay. Điều này chứng tỏ tính cấp bách và tầm quan trọng của vấn đề. Các môn đệ đã không hề bày tỏ bất cứ phản ứng nào, cũng đã chẳng hề bình luận gì về những nội dung Đức Giêsu dạy dỗ họ khi Thầy trò đi băng qua miền Galilê. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ không nói gì. Thực chất, họ trao đổi và tranh luận với nhau nhiều, nhưng không cho Đức Giêsu tham gia vào những cuộc trao đổi và tranh luận đó. Về phần mình, chắc chắn Đức Giêsu biết rõ cái ý tưởng nào đang thống trị tâm trí họ, nên hẳn là Người không lạ gì những nội dung mà họ đã tranh luận với nhau dọc đường. Điều Người cần là thái độ chân thành của họ.
“Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” ( c. 34 ). Câu hỏi của Đức Giêsu đã đẩy các môn đệ đến một tình cảnh rất khó xử. Họ làm thinh, tương tự như những người Pharisêu lòng dạ chai đá trong hội đường vào dịp Đức Giêsu chữa lành một người bị bại tay ( 3, 4 ). Lý do sâu xa, như vậy, cũng là do lòng dạ họ vẫn còn chai đá, chưa thể thấm nhuần sứ điệp Tin Mừng của Đức Giêsu, và vì thế, khi đi đường, họ đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả!
Sở dĩ các môn đệ làm thinh, là vì họ biết rất rõ rằng Đức Giêsu sẽ không thể chuẩn nhận mối bận tâm của các ông, vì họ sợ phản ứng sẽ có thể là rất mạnh mẽ của Người, và vì họ chưa thực sự hoàn toàn gắn bó với Người.
Tác giả Máccô có vẻ muốn nhấn mạnh yếu tố “dọc đường”, “khi đi đường”. Con đường được nói đến ở đây là đường lên Giêrusalem. Như lời Đức Giêsu đang cố gắng nói với các môn đệ, cuối con đường này sẽ là một số phận bi đát và là cái chết đau thương đang chờ đợi Người và sau đó, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại ( 8, 31; 9, 30 ). Ngược với những gì Đức Giêsu đang dạy, các môn đệ lại nhìn về Giêrusalem như là điểm đến mà ở đó Đức Giêsu sẽ thâu tóm quyền lực chính trị và thực hiện những chương trình đem lại tương lai vinh quang đắc thắng cho những kẻ theo Người. Rõ ràng Đức Giêsu và các môn đệ đang bước đi trên cùng một con đường, nhưng lại hoàn toàn đối ngược nhau trong điểm nhắm đến của cuộc hành trình.
Giữa các môn đệ với nhau cũng có một sự bất đồng và nguy cơ chia rẽ. Đáng chú ý cách dùng từ của tác giả Máccô. Trong câu hỏi của Đức Giêsu là động từ “bàn tán”, còn khi kể về những gì xảy ra trên đường, tác giả Mc dùng động từ “cãi nhau”, cho thấy một sự tranh chấp, cãi vã và bất đồng. Ngay khi Đức Giêsu đang nói đến sự hiến mình, thì các môn đệ lại cãi nhau về sự thống trị, về cấp bậc, về chức vụ, về vị trí ăn trên ngồi trốc! Các ông đều đầy tham vọng và tranh nhau chức tước. Các ông không tin vào sự bình đẳng và tình huynh đệ. Các ông chưa thoát khỏi sức kềm tỏa của lề thói thế gian và lý tưởng Do Thái. Các ông hình dung sai lạc về sứ vụ Mêsia của Đức Giêsu và tranh nhau vị trí cao nhất trong cái chế độ cai trị mà các ông tưởng là Đức Giêsu sắp thiết lập.
Tham vọng của các môn đệ rõ ràng đối nghịch hoàn toàn với điều kiện mà Đức Giêsu mới nêu ra cho những ai đi theo Người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” ( 8, 34 ).
Không chờ được trả lời, cũng không có vẻ bực bội hay ngỡ ngàng vị sự làm thinh của các môn đệ trước câu hỏi rõ ràng của mình, “Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người thứ nhất, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người" ( c. 35 ). Có thể ghi nhận: thay vào chỗ các môn đệ, bây giờ, là Nhóm Mười Hai.
Tuy ở trong cùng một ngôi nhà, và là vừa mới về đến nhà thôi, nhưng Đức Giêsu phải gọi Nhóm Mười Hai lại. Chi tiết này cho thấy các ông đang ở xa Người. Tất nhiên đây không thể là sự ở xa về phương diện không gian địa lý, mà là một hình ảnh tượng trưng có ý cho thấy thái độ của Nhóm Mười Hai không thuận thảo trong việc chấp nhận số phận của Con Người mà Đức Giêsu đang nói với họ. Khi thiết lập Nhóm Mười Hai ( 3, 14 ), một trong hai mục tiêu mà Đức Giêsu nhắm đến là để họ ở với Người. Thế mà bây giờ Người phải gọi họ đến, tức là họ đang không ở với Người. Lời gọi của Người, vì thế, đồng thời cũng là lời đề nghị họ thay đổi thái độ và cách hành xử cho phù hợp.
Tác giả Tin Mừng không nói cho chúng ta biết Nhóm Mười Hai đã đáp lại lời gọi này như thế nào, rằng họ có đến bên Người như Người vừa đề nghị hay không.
Khi giữ thái độ làm thinh trước câu hỏi của Đức Giêsu, các môn đệ đã tỏ vẻ từ chối đối thoại với Người. Nhưng Đức Giêsu đã không phản ứng gay gắt hay cứng cỏi trước thái độ đó. Người cũng chẳng trách móc hay khước từ họ. Ngược lại, Người vẫn ân cần cung cấp cho họ một cơ hội để thực hiện một chọn lựa tự do, khi nói với họ: “Ai muốn...” Người luôn bày tỏ một tình yêu đầy tôn trọng đối với các môn đệ.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Người dễ dãi. Thực tế, Người đòi hỏi Nhóm Mười Hai phải từ bỏ mọi tham vọng thống trị của họ, từ bỏ mọi tham vọng tìm chỗ cao nhất trong hệ thống, từ bỏ mọi toan tính phân chia cấp bậc và quyền lợi trong cộng đoàn đồ đệ: “Ai muốn làm người thứ nhất, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Khi người thứ nhất là người rốt hết và là người phục vụ mọi người, thì “thứ nhất” ở đây không phải là ở trên những người khác, quan trọng hơn những người khác, càng chẳng phải là có một trách nhiệm đặc biệt hơn những người khác trong cộng đoàn. Người thứ nhất, theo cách trình bày của Đức Giêsu ở đây, chính là người ở gần Đức Giêsu hơn cả trong việc đồng hóa mình với Đức Giêsu bị nộp vào tay người đời và hiến mình vì ơn cứu độ nhân loại.
“Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy" ( cc. 36 – 37 ). Hạn từ “paidion” thực ra có thể dùng để chỉ một em nhỏ, nhưng cũng có thể chỉ một người đầy tớ, người phục vụ. Ngữ cảnh có vẻ ưu tiên cách hiểu thứ hai hơn, nhưng vẫn không loại trừ cách hiểu thứ nhất.
Đức Giêsu vẫn đang ngồi trong nhà. Nhưng Người không cần phải cất tiếng gọi em nhỏ như Người vừa phải gọi Nhóm Mười Hai. Người cũng không phải rời chỗ để đi tìm và đưa em vào. Chi tiết này chứng tỏ em nhỏ đang ở ngay bên cạnh Đức Giêsu, tức là đang ở với Người. Nếu khoảng cách giữa Nhóm Mười Hai với Đức Giêsu ở bài Tin Mừng này phải được hiểu theo nghĩa bóng, thì cũng thế, sự gần cận này của em nhỏ đối với Đức Giêsu cũng cần được hiểu theo nghĩa bóng, chỉ về sự gần cận tâm linh, tinh thần, lập trường, thái độ và cách hành xử. Nhất là khi chúng ta hiểu hạn từ paidion theo nghĩa “người phục vụ”. Hình ảnh em nhỏ / người phục vụ này rất tương ứng với điều vừa được Đức Giêsu đề cập ở c. 35. Trong tư thế em nhỏ, nhân vật này là người rốt hết, không đáng kể, không quan trọng; trong tư thế người phục vụ, nhân vật này đáp ứng đòi hỏi làm người phục vụ mọi người.
Đức Giêsu đặt em nhỏ này vào vị trí trung tâm, như thể một điểm quy chiếu cho cả nhóm: “Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông”. Nhân vật “làm người phục vụ mọi người” được đặt làm mẫu cho Nhóm Mười Hai vừa cãi nhau nảy lửa về chuyện ai là người lớn nhất trong nhóm!
Rồi Đức Giêsu ôm lấy em nhỏ, trong một hành động thân thương và có giá trị diễn tả sự gắn bó mật thiết. Đức Giêsu như muốn nên một với kẻ rốt hết và làm người phục vụ mọi người. Hành động này như muốn diễn tả nội dung mà đã có lần Người nói thành lời: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” ( 3, 35 ).
Đi thêm một bước nữa, Đức Giêsu đồng hóa bản thân mình với những con người bé nhỏ ấy: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”. Rồi Người khẳng định rằng đó cũng là sự đồng hóa với Đấng đã sai Người: “Và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Đức Giêsu xuất hiện như trung tâm, ở đó xảy đến mầu nhiệm hợp nhất Thiên Chúa với nhân loại.
Gợi ý suy niệm
1. “Khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” ( c. 34 ). Ngay khi Đức Giêsu đang nói đến sự hiến mình, thì các môn đệ lại cãi nhau về sự thống trị, về cấp bậc, về chức vụ, về vị trí ăn trên ngồi trốc ! Các ông đều đầy tham vọng và tranh nhau chức tước. Các ông không tin vào sự bình đẳng và tình huynh đệ. Có lẽ đó không chỉ là chuyện xưa!
2. "Ai muốn làm người thứ nhất, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người" ( c. 35 ).
3. Thái độ của Đức Giêsu diễn tả thái độ của chính Thiên Chúa, vì như lời Người nói, “ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Một lần nữa, chúng ta lại gặp một mạc khải về chính Thiên Chúa: Ngài không phải là vị Thiên Chúa thống trị con người, mà là vị Thiên Chúa phục vụ mọi người. Những ai tìm cách đặt mình trên người khác sẽ không thể đón tiếp Thiên Chúa và Đức Giêsu vào cuộc đời mình.
Lm. Nguyễn Thể Hiện, DCCT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét