Cách
đây tròn 70 năm, Alexandre Yersin ra đi vĩnh viễn, để lại cho người dân
xóm Cồn, Nha Trang, cũng như cả tỉnh Khánh Hòa và giới y học niềm
thương tiếc khôn nguôi về một con người đã cống hiến trọn đời cho khoa
học và phục vụ người nghèo !!
Sinh ra tại Thụy Sĩ (22.9.1863),
theo học nhiều trường đại học danh tiếng ở nước này, Đức và Pháp, rồi
trở thành nhà bác học lừng danh với nhiều phát minh làm sửng sốt giới y
học trên thế giới, thế nhưng, A.Yersin lại chọn Khánh Hòa làm nơi gắn bó
đến hết cuộc đời mình. Trong di chúc để lại, A.Yersin dặn các môn đệ
của mình hãy để ông yên nghỉ tại Suối Dầu - một nông trại mà ông dùng
làm nơi nghiên cứu để chế ra loại vắc xin chữa bệnh dịch hạch. Cũng
trong di chúc ấy, ông nói rõ đám tang ông phải được tổ chức thật giản
dị, không cần điếu văn. Khi chôn cất, ông xin được nằm úp mặt, hai tay
dang ra, để được ôm trọn mảnh đất mà ông đã gắn bó suốt đời cùng bao số
phận khó nghèo mà ông từng yêu mến chở che và nâng đỡ.
Sinh
thời, A.Yersin đã tự coi mình như một công dân của xóm Cồn - một làng
chài nằm ở cuối sông Cái. Ông đã nhập vào làng chài ấy để cảm nhận hết
nỗi thống khổ của những mảnh đời cần lao. Và rồi, bằng tấm lòng bao dung
của một vị bác sĩ nhân hậu, A.Yersin đã làm tất cả những gì có thể để
giúp đỡ những số phận bất hạnh tại đây. Vì vậy, người dân xóm Cồn vẫn
gọi A.Yersin bằng một cái tên thân mật “ông Năm”. Có lẽ hiếm có người
nước ngoài nào được người dân Việt Nam gọi tên bằng “thứ” như thế. Những
phát minh vĩ đại của một nhà khoa học, sự dấn thân đầy xả kỷ của
A.Yersin được người dân Khánh Hòa và Việt Nam đón nhận và xem ông như
một danh nhân nước Việt. Không phải ngẫu nhiên mà trên bàn thờ của người
dân xóm Cồn, bao giờ chân dung của A.Yersin cũng được đặt ở nơi trang
trọng nhất. Và cứ đến ngày 1.3 hằng năm, người dân xóm Cồn lại tổ chức
giỗ A.Yersin.
Giới khoa học đã viết nhiều về A.Yersin với tư cách
là người đã phát minh ra huyết thanh chống dịch hạch, chế ra thuốc ký
ninh để trị bệnh sốt rét, đã phát hiện ra cao nguyên Lâm Viên, là hiệu
trưởng đầu tiên của Trường đại học Y Hà Nội… Riêng với xóm Cồn, người
dân còn lưu giữ thêm trong lòng họ về hình ảnh của một “ông Năm” nhân
hậu, biết thương quý và hay giúp người nghèo, một “ông Năm” tuổi 70 vẫn
vượt núi băng ngàn để khám bệnh cho đồng bào thiểu số vùng cao. Vì vậy,
người ta không ngạc nhiên, sau ngày giải phóng, nhiều thành phố vẫn giữ
tên đường Yersin. Giờ lại có thêm một bảo tàng, một trường học ở Khánh
Hòa mang tên ông, một khu di tích - nơi ông từng làm việc và yên nghỉ 70
năm qua trở thành di tích cấp quốc gia, địa chỉ đã đón hàng ngàn du
khách trong và ngoài nước đến thăm viếng mỗi năm. Lần giỗ thứ 70 này,
người dân xóm Cồn lại thầm khấn tên “ông Năm” bằng tất cả niềm kính
trọng và ơn nghĩa.
"Ở Việt Nam, Yersin luôn sống mãi"
Đó là cảm nhận của ông Daniel Minsen (75 tuổi), một người cháu của bác sĩ A.Yersin, khi vừa cùng vợ trở lại VN. ..
Vợ
chồng tôi chuẩn bị kế hoạch cho chuyến đến Nha Trang nhân ngày giỗ thứ
70 của ông tôi từ khá lâu chứ không phải đi theo lời mời theo đoàn đến
dự lễ kỷ niệm ngày mất của ông Yersin. Và lần nào đến đây chúng tôi cũng
xúc động đến lặng người vì những tình cảm mà người dân VN đã dành cho
ông tôi” - ông Daniel mở đầu câu chuyện trong cuộc gặp gỡ với chúng tôi
tối 28-2, khi ông vừa rời đỉnh Hòn Bà cao 1.578m - nơi có khu lưu niệm
Yersin.
Ông
Daniel kể rằng khi ông lên 5 tuổi thì bác sĩ A.Yersin qua đời. “Tôi
hoàn toàn không biết gì về ông, kể cả mẹ tôi, bởi gần như cả cuộc đời
A.Yersin đã sống và ở lại hẳn VN. Vì gia đình chúng tôi còn lưu giữ 993
bức thư mà ông tôi từng gửi về cho bà cố và cô của mẹ tôi nên tôi có cơ
hội tìm hiểu về ông. Cả gia đình ai cũng quan tâm đến ông, nhưng tôi là
đứa cháu tò mò và muốn tìm hiểu về ông nhất” - ông Daniel nói. Theo ông
Daniel, trước đây ở Pháp, người ta không biết nhiều về A.Yersin trừ
những người tìm hiểu y học, và chỉ biết ông là người đã tìm ra vi trùng
gây bệnh dịch hạch.
Tháng 12-2000, hai vợ chồng ông Daniel quyết
định thực hiện tour du lịch đầu tiên đến Nha Trang để tìm hiểu thêm về
người ông ruột thịt của họ. “Tôi còn nhớ như in cảm giác rất ngạc nhiên
của mình khi thấy người dân chăm sóc ngôi mộ của ông tôi như người nhà
của họ. Trong nhà, trong chùa người ta còn thờ cúng ông. Nhiều di sản mà
ông tôi để lại được lưu giữ trân trọng. Và tên ông tôi được chọn đặt
cho nhiều đường phố đẹp của VN. Lúc bấy giờ ở Pháp, Yersin không được
nhiều người biết đến, nhưng ở VN ông đã là một danh nhân nước này rồi”.
Nhưng
ông Daniel nói rằng ông “ngạc nhiên đến nghẹn ngào” khi về đúng dịp giỗ
lần thứ 60 của Yersin vào năm 2003, khi ông đưa cả gia đình gồm ba thế
hệ đến VN. “Nhiều lãnh đạo địa phương, học sinh, người dân đã tổ chức
một buổi lễ long trọng đến mức chúng tôi không thể tưởng tượng nổi. Mọi
người đều gọi ông tôi trìu mến là “ông Năm”. Tôi thấy có rất nhiều người
dân bình thường sùng kính, tôn thờ Yersin. Họ thờ cúng ông tôi như thờ
cúng ông bà trong gia đình. Đó là một truyền thống tuyệt vời mà ở Pháp
không thể nào tìm thấy được. Ở đây, những kỷ niệm về Yersin, những giá
trị của Yersin luôn sống”.
Tính từ năm 2000 đến nay, vợ chồng ông
Daniel đã đến VN tám lần, trong đó bốn lần đến Nha Trang viếng mộ
Yersin, hai lần lên Hòn Bà; những lần khác ông bà tìm đến những nơi lưu
dấu Yersin như Đà Lạt, Hà Nội...
Lần này, ông bà trở lại để kỷ
niệm 70 năm ngày mất của ông Yersin. Sáng ngày 28-2, hai ông bà ngồi ôtô
chạy thẳng từ TP.HCM lên đỉnh Hòn Bà, gieo tại đó hai loại đào và bầu
được mang từ Pháp sang. Sau khi thắp cho ông Yersin nén nhang, ông
Daniel Minsen cùng vợ tham quan các vật dụng thân quen mà ông cụ của
mình để lại như: bàn làm việc, tách trà, máy thu âm, máy ảnh cũ, chuồng
ngựa. ..
Giám mục Jean Cassaigne
Ngoài Bác sĩ
Alexandre Yersin, còn có một người Pháp nữa đã phục vụ dân VN và cũng
gửi thân xác lại VN, đó là Giám mục Jean Cassaigne.
Giám mục Cassaigne sang VN làm nhiệm vụ truyền giáo. Ông đã mở ra trại phong (cùi) Di Linh gần Đà Lạt.
Thời
đó, những bệnh nhân phong không có thuốc chữa, bệnh nhân bị xã hội ghê
tởm xa lánh vì sợ lây cái bệnh nan y này, nhất là khi bệnh nhân bị lở
loét, thối tha, biến dạng tay chân. Bệnh nhân đa số là người dân tộc
thiểu số.
Để chăm sóc những người khốn khổ này, Giám mục
Cassaigne đã cùng với các nữ tu (soeur) lập ra trại phong cùi Di Linh.
Ông từng đích thân chăm sóc cho họ.
Thời Pháp thuộc, khi Tòa Giám
mục ở Sài Gòn không có người cai quản, Tòa thánh Vatican đã điều ông về
Sài Gòn làm Tổng Giám mục một thời gian, ông miễn cưỡng chấp nhận. Sau
khi hết nhiệm kỳ, ông không trở về Pháp mà xin trở về trại phong Di Linh
để phục vụ bệnh nhân cho đến khi ông qua đời vì tuổi già (có người nói
ông cũng bị lây bệnh phong từ các bệnh nhân ?). Thi hài ông được chôn
cất ở Di Linh cho đến hôm nay.
Giám mục Cassaigne không nổi tiếng
bằng Yersin vì phạm vi của ông hơi nhỏ. Ngay cả những tín đồ Công giáo
hiện nay cũng ít ai biết đến ông.
Dù sao, chúng ta cũng kính trọng những người phục vụ cho nhân dân ta và bỏ lại thân xác ở VN.
(Nguồn:Thanh Niên, 1.3.2013 và tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét