Ảnh

Ảnh
Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa. Xin hiệp nhất chúng con như Ngài liên kết với Cha. Xin giải thoát chúng con xa điều bất hòa chia rẽ. Xin kết liên muôn người trong lòng mến Chúa Cha trên trời. Ảnh Huynh đoàn Đa Minh Gx Bắc Hà hành hương bác ái 2014

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Chúa là cây nho

Đức Giê-su, trong đoạn Tin Mừng thánh Gio-an, đã ví Mình như cây nho và mọi người môn đệ Chúa là cành nho. Chỉ những cành nào liên kết với Người thì sinh hoa kết trái, trái lại những ai tách khỏi Người, như những cành nho lìa cây sẽ bị khô héo và bị quăng vào lửa.

Ảnh internet
Tại sao Đức Giê-su ví Mình là cây nho đích thực? Ai là những cây nho không đích thực? Liệu có quá đáng không khi Chúa kết án lửa cháy cho những ai không kết hợp với Người, quyền tự do của con người ở đâu? Tại sao lại phải cắt vợi cành, giải thích như thế nào về những cành nho thiệt phận?


1. Cây nho trong Mắt Chúa

Trong hoàn cảnh rất đặc biệt trước đêm chịu chết, sau bữa tiệc Vượt qua cùng với các môn đệ, Đức Giê-su đã cảm nghiệm được sự trống vắng: dân chúng quay lưng lại với Người, nhiều môn đệ bỏ trốn, trước mặt là những cực hình sắp đến; Người cảm thấy cô đơn, thất bại.

Tuy nhiên xung quanh Người vẫn còn đám môn đệ trung tín. Hơn lúc nào hết Đức Giê-su cần họ, thương họ. Có lẽ vì thế hoặc trong bữa ăn tối, hoặc trên đường đến vườn Giêt-si-ma-ni, Đức Giêsu đưa ra hình ảnh cây nho và cành nho, để nói lên mối tình giữa Chúa và các môn đệ Người.

Đức Giê-su ví Mình như cây nho: Hình ảnh cây nho vốn tượng trưng cho dân It-ra-en. Đức Giê-su không những coi Mình là cả một Dân tộc, mà còn khẳng định Người là "Cây Nho đích thực," dân It-ra-en là hình ảnh của Người.

Do thời tiết và đất đai, nho là cây trồng chính của người It-ra-en; nói đến cây nho, khán giả nhanh chóng hiểu được ngụ ý của Đức Giê-su. Cây nho có nhiều thành phần: rễ, cành, lá và thân cây. Người It-ra-en là "cây nho" chỉ là sự chuẩn bị cho "cây nho đích thực" là Đức Ki-tô và Giáo hội của Người, mọi thành phần khác, đều phải sống tùy thuộc vào cây nho đích thực đó.

Đức Giê-su còn nói đến cành nho để chỉ các môn đệ Người: "Thầy là cây nho, anh em là cành." Nếu như cây nho là Đức Giê-su, thì mọi cành lá đều phải gắn liền vào thân cây để sống, đó chính là cộng đoàn gồm nhiều thành phần mà Chúa đang thiết lập. Như cây nho, đến mùa xuân, cành vươn ra, hoa lá nẩy lên và đến mùa thu hoạch, cây nho cho những chùm nho mộng chín, nặng trĩu trên cành. Giáo hội được Chúa Ki-tô thiết lập như cây nho sẽ mang lại những hoa trái ngọt ngào cho thế giới loài người.

Đức Giê-su cũng nói đến người trồng nho là Đức Chúa Cha: Thiên Chúa là Người trồng, cây nho khởi đầu là dân It-ra-en. Trong thời gian tạm thời này, nhiều người lãnh đạo It-ra-en đã làm ảnh hưởng vườn nho Chúa và không sinh trái. Tuy nhiên, Đức Chúa Cha đã kiên trì trồng Cây Nho đích thực là Đức Giê-su, Người chính là Thiên Chúa; đó là Cây Nho tràn đầy sức sống Thần Khí, sẽ sinh hoa trái, không những ở It-ra-en, mà cho cả trái đất này.

2. Để cành nho nặng trái

Thiên Chúa trồng cây nho và mong ngày gặt hái; tuy nhiên Chúa vẫn đòi điều kiện, là sự cộng tác của con người, bằng những phương pháp hữu hiệu:

Trước hết, cành nho phải gắn liền với cây nho: Nếu như cây nho cần phải có cành nho để sinh hoa trái, thì cành nho phải dựa vào cây nho để sống. Đây là mối quan hệ hổ tương, không thể thiếu giữa cây và cành, giữa Đức Giê-su và con người. Nếu bất kì một cành nào, bị sâu đục cắn ngang cành, một trận gió làm cành gẫy, một nhát dao bởi bác tiều phu, lập tức cành khô, lá héo và chết không sinh trái nào. Con người cũng phải gắn liền với Đức Ki-tô để thông phần sự sống Thiên Chúa. Con người phải thường xuyên hút nhựa sống từ Cây Nho đích thực là Đức Ki-tô, để sinh hoa kết trái dồi dào.

Cành nho cần phải được cắt tỉa: Nhìn những cành nho bị cắt, người ta phân vân với những cành nho bị hi sinh, cây nho chảy nhựa máu. Tuy nhiên nếu người ta nhìn thấy kết quả của vụ thu hoạch, người ta mới hiểu sự hi sinh này; và nếu người ta chứng kiến Đức Giêsu bị "cắt tỉa" trước để mang lại hoa trái, người ta sẽ hiểu được giá trị của việc cắt tỉa. Người ta phải cắt bớt những cành rậm rạp, dư thừa, sâu mút để dồn nhựa vào thân cây và tăng sức cho những cành cây trổ sinh nhiều hoa trái. Con người ta cũng cần được cắt tỉa những lối sống hình thức bên ngoài, những chuyện riêng tư, lo lắng bon chen, những vật chất làm hao mòn năng lực tinh thần của họ. Hành vi cắt tỉa là việc làm gây đau đớn, nhưng lại mang hiệu quả, con người nếu được cắt tỉa bằng những đau khổ mất mát, sẽ mang lại vụ mùa hoa quả bội thu.

3. Cây nho của Ki-tô Hữu

Hãy hiệp nhất với Giáo Hội. Đức Giê-su phán: "Hãy ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong anh em." Con người kết hợp với Đức Giê-su như cành nho kết hợp với cây nho. Ngày nay mặc dù người ta tin rằng: có ơn cứu độ ngoài Giáo hội, nhưng mọi người khẳng định rằng, Giáo hội vẫn là trung gian quan trọng để nối kết con người với Thiên Chúa. Giáo hội mà Đức Ki-tô là đầu, còn tất cả mọi người từ giáo dân đến tu sĩ hay hàng giáo sĩ đều là chi thể của thân thể màu nhiệm Hội thánh. Giáo hội là đại diện cây nho, mà Đức Giê-su gửi gắm để loan tin Lời Chúa, thông báo ơn lành và bảo đảm ơn cứu độ. Giáo hội là trung tâm mà mọi thành viên phải liên đới với nhau. Mỗi người phải biết loại bỏ cái tôi, để tạo thành một gia đình, một cộng đoàn, giáo xứ tốt đẹp, bổ sung vào sự thánh thiện của Giáo hội hoàn vũ.

Hãy yêu mến Thánh Thể: Như giới thiệu trên, Đức Giê-su nói những lời này trong bữa Tiệc ly, hình ảnh cây nho tượng trưng cho tiệc Thánh Thể. Lễ vật để thánh hiến chính là rượu từ cây nho để Chúa biến đổi thành Máu Người. Cựu Ước đã dùng cây nho để chỉ dân It-ra-en. Giờ đây Đức Giê-su muốn nói lên: Bản Thân Người là tất cả hi vọng của Dân Chúa, Người phán: "Anh em hãy ở trong Thầy như Thầy ở trong anh em." Những lời này rõ ràng nói về phép Mình Thánh Chúa. Qua Thánh Thể, Đức Giê-su sẽ luôn hiện diện nơi mỗi người như nhựa sống nuôi dưỡng linh hồn con người.

Mỗi Ki-tô hữu hãy tôn sùng Thánh Thể, đó là cách tốt nhất để nối kết với Thiên Chúa. Xin Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Nữ Tỳ Thánh Thể giúp chúng con trở thành những nhành nho giá trị.

Tác giả bài viết: Lm Jos. Ma. Trần Xuân Chiêu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét