Ảnh

Ảnh
Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa. Xin hiệp nhất chúng con như Ngài liên kết với Cha. Xin giải thoát chúng con xa điều bất hòa chia rẽ. Xin kết liên muôn người trong lòng mến Chúa Cha trên trời. Ảnh Huynh đoàn Đa Minh Gx Bắc Hà hành hương bác ái 2014

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Con Người đến để phục vụ

Chúa Nhật 29 Thường niên – B
Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 10,35-45) kể lại câu chuyện hai anh em con ông Dêbêđê xin Đức Giêsu một sự ưu đãi. Lời xin này nhận được câu trả lời của Đức Giêsu và sự bực bội của các môn đệ khác. Đức Giêsu nhân cơ hội đó liền đưa ra những lời giáo huấn quan trọng liên quan đến cách hành xử của các môn đệ trong cộng đoàn.

Ảnh từ internet

“Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây” (c.35).

Giacôbê và Gioan là hai người con trai của ông Dêbêđê. Các ông đã đi theo Đức Giêsu từ buổi đầu hành trình công bố Tin Mừng của Đức Giêsu. Cùng với Phêrô và Anrê, các ông làm thành nhóm bốn môn đệ đầu tiên được Đức Giêsu kêu gọi đi theo Người (1,16-20). Cùng với Phêrô, hai ông làm thành nhóm ba người hạt nhân của Nhóm Mười Hai. Ba người này là những kẻ duy nhất được Đức Giêsu cho đi với Người trong phép lạ làm cho con gái ông Giaia sống lại (5,37) và trong biến cố Người biến hình đổi dạng (9,2). Nói cách khác, các ông đã được trải nghiệm một cách đặc biệt về quyền năng của Đức Giêsu và về vinh quang thiên thai của Người.

Hôm nay, hai người con ông Dêbêđê cùng nhau đến với Đức Giêsu. Trước hết, họ muốn biết chắc rằng Đức Giêsu sẽ không từ chối lời xin mà họ sắp thưa với Người, cho dù từ trước tới nay, chưa bao giờ họ nghi ngờ về lòng tốt và về quyền năng của Đức Giêsu. Sự kiện này cho thấy điều họ đang ấp ủ trong lòng là một điều quan trọng đối với họ, một điều thuộc về cõi lòng sâu xa của họ, một điều nung nấu mạnh mẽ tâm can họ. Đồng thời sự kiện này cũng chứng tỏ bản thân họ đang cảm thấy điều họ sắp xin là một điều rất tế nhị.

“Đức Giêsu hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” (c.36). Đức Giêsu tỏ ra không bận tâm đến chuyện có phải từ chối hay không lời xin của các ông Giacôbê và Gioan. Khi thấy như thế, “các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (c.37). Ở 8,38 Đức Giêsu đã từng nói đến việc Con Người ngự đến trong vinh quang của Chúa Cha. Hai môn đệ Giacôbê và Gioan nghĩ đến việc Đức Giêsu ngự trên ngai vinh quang trong Vương Quốc thiên sai, hoặc là trong tư cách Thẩm Phán cánh chung hoặc là trong tư cách Đấng Mêsia chủ tọa bữa tiệc thiên sai. Các ông nghĩ đến những quy chế được thực hiện trong Vương Quốc thiên sai đó, và các ông xin cho mình được ở vào những vị trí vinh dự nhất bên cạnh Đức Giêsu trong Vương Quốc.

Các môn đệ chưa từng xin Đức Giêsu điều gì. Thế mà hai ông Giacôbê và Gioan lại xin cho mình những điều lớn lao nhất, là được tham dự ở những vị trí cao cả nhất vào vinh quang của Thầy. Trước đây, các môn đệ đã từng cãi nhau về chuyện ai là ngươi lớn hơn cả trong các ông (9,33-34). Bây giờ, hai ông Giacôbê và Gioan không muốn tranh cãi với các môn độ khác về điều đó nữa. Các ông muốn chiếm vị trí đó bằng một quyết định rõ ràng và một sự bảo đảm chắc chắn của chính Đức Giêsu.

Đức Giêsu không từ chối lời xin của các ông. Nhưng Người yêu cầu các ông hiểu đúng điều các ông xin và những gì liên hệ đến lời xin đó. “Đức Giêsu bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được.” Đức Giêsu bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được” (cc.38-40). Có hai điều các ông đã không ý thức đầy đủ khi họ ngỏ lời xin: (1) sự tham dự vào vinh quang của Đức Giêsu giả thiết sự tham dự vào cuộc thương khó của Người (cc.38-39); (2) Thiên Chúa mới là Đấng quyết định vị trí của mỗi người trong Vương Quốc thiên sai mà trung tâm là Đức Giêsu (c.40).


Trước đây, khi các môn đệ tranh cãi nhau xem ai trong số họ là người lớn nhất, Đức Giêsu đã cho họ biết đâu là con đường đích thực làm nên sự lớn lao đích thực (9,34-35). Bây giờ, đối diện với ước vọng của hai môn đệ Giacôbê và Gioan được tham dự vào vinh quang của Người với những vị trí đặc biệt nhất, Người muốn, trước hết, làm cho họ hiểu nội dung thật của con đường đưa họ đến chỗ được tham dự vào vinh quang của Người: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Đức Giêsu sử dụng các hình ảnh của một số bản văn Cựu Ước để nói về những gì Người sắp phải trải qua (về “chén”: xem Is 51,17; Gr 25,28; 49,12; Ed 23,32-34…; về “sự dìm”, xem Tv 69,2-3; 14,41…). Người sẽ bị trao nộp vào tay người đời và họ sẽ giết chết Người (9,31), và đó lại là điều Cha muốn (14,36; x. 14,41).

Vậy Đức Giêsu hỏi hai môn đệ xem họ có thể chịu cùng một số phận đó với Người hay không. Một cách hết sức nhanh chóng, như thể chẳng kịp suy nghĩ kỹ, họ trả lời: “Thưa có”. Người bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu”. Thực ra, sau này, khi Đức Giêsu bị bắt, hai ông Giacôbê và Gioan sẽ chạy trốn và biến mất, như các môn đệ khác. Tuy nhiên, lời hứa của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay cho các ông được uống cùng chén với Người không bị hủy bỏ, nhưng sẽ thành hiện thực sau này, khi các ông chịu tử đạo vì Danh Chúa Giêsu (xem thí dụ Cv 12,1-2).

Thực ra, bất chấp tính chất tham vọng và mù quáng, lời xin của hai ông Giacôbê và Gioan dầu sao vẫn chứng tỏ sự tin tưởng mạnh mẽ của họ, rằng hành trình của Đức Giêsu đang dẫn tới vinh quang. Trong các bài Tin Mừng của hai Chủ Nhật trước, chúng ta đã gặp thấy niềm khao khát sự sống đời đời mà các môn đệ mang trong tâm hồn mình khi đi theo Đức Giêsu (10,13-31); hôm nay, khao khát ấy được diễn tả dưới một kiểu nói khác: được tham dự vào vinh quang của Người. Tất nhiên tham vọng chiếm chỗ nhất là không hay, nhưng khao khát của hai môn đệ ít nhất cũng cho thấy trong cái nhìn của các ông, trung tâm vẫn là Đức Giêsu và vinh quang đích thật sẽ tùy thuộc vào Người.

Từ lời xin có phần còn chưa chuẩn của hai môn đệ, Đức Giêsu nêu lên một điều quan trọng và căn bản: theo chương trình của Thiên Chúa, con đường để Đức Giêsu, và cùng với Người là các môn đệ, đi đến vinh quang, sẽ phải đi ngang qua cuộc khổ nạn, chén đắng và phép dìm. Và Đức Giêsu hứa với hai môn đệ là họ sẽ được uống chén đắng đó với Người.

“Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan” (c.41). Phản ứng tức tối của mười môn đệ là dễ hiểu xét về mặt con người.

“Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (cc.42-44). Trước hết, Đức Giêsu nói đến một chuyện mà các môn đệ đều biết, về thái độ và cách hành xử của những người thủ lãnh các dân. Họ không ngừng mở rộng và kéo dài quyền thống trị của họ trên những kẻ yếu thế và bị trị. Rồi Người bảo các môn đệ: “Nhưng giữa anh em thì không được như vậy” (c.43). Hai lần Người nói “giữa anh em”, và hai lần Người công bố nguyên tắc phục vụ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (cc.43-44). Người đã từng dạy Nhóm Mười Hai: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (9,35). “Người phục vụ anh em” (c.43), “đầy tớ mọi người” (c.44) và “người phục vụ mọi người” (9,35) là ba cách nói diễn tả rõ ràng quy tắc hành xử trong cộng đoàn các môn đệ. Sự phục vụ được nói đến ở đây, như thế, là dành cho mọi người, không loại trừ ai, và là sự phục vụ mà người môn đệ không được né tránh, cũng không được tự ý chọn làm hay không.

“Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (c.45). Với lời khẳng định này, Đức Giêsu diễn tả ý nghĩa và mục đích của sứ mạng mà Người đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Có thể nói: chúng ta sẽ thật khó tìm được một lời tuyên bố nào khác của Đức Giêsu về công trình của Người mà rõ ràng và quan trọng hơn lời tuyên bố này. Người đến là vì Thiên Chúa đã sai Người (9,37). Theo chương trình và thánh ý của Thiên Chúa, toàn thể công trình của Đức Giêsu là phục vụ. Những gì Người đã thực hiện, đang thực hiện và sẽ thực hiện, đều chỉ là phục vụ và hiến mạng sống để cứu chuộc nhân loại.

Thời xưa, những người nô lệ và những tù nhân bị trói chặt vào thân phận bi đát và không thể tự cứu mình khỏi thân phận đó. Tuy nhiên, nếu có một người thứ ba trả giá chuộc họ một cách thỏa đáng, thì họ sẽ có thể được thoát khỏi thân phận bi đát của mình và được tự do. Đức Giêsu dùng thực tế đó làm ẩn dụ để nói về công trình của Người. Người chính là người thứ ba; Người hiến chính mạng sống mình làm giá chuộc, và nhờ đó, mọi người được tự do. Quả thực, mọi người đều là nô lệ của tội lỗi và sự chết, và không ai đủ sức giải thoát mình và những người khác khỏi số phận đó. Chính Đức Giêsu và chỉ một mình Người, Con Thiên Chúa, mới có thể làm được điều đó. Chính sứ mạng phục vụ của Đức Giêsu, và là phục vụ đến hiến mạng sống làm giá chuộc, đã thiết lập nền tảng cho cuộc sống của người môn đệ. Người ta sẽ không thể là môn đệ của Đấng đến để phục vụ, nếu người ta từ chối phục vụ.

Gợi ý suy niệm và chia sẻ:

1. Từ lời xin có phần còn chưa chuẩn của hai môn đệ, Đức Giêsu nêu lên một điều quan trọng và căn bản: theo chương trình của Thiên Chúa, con đường để Đức Giêsu, và cùng với Người là các môn đệ, đi đến vinh quang, sẽ phải đi ngang qua cuộc khổ nạn, chén đắng và phép dìm. Muốn được tham dự vào vinh quang của Đức Giêsu, chúng ta phải tham dự vào cuộc thương khó của Người (cc.38-39).

2. “Người phục vụ anh em” (c.43), “đầy tớ mọi người” (c.44) và “người phục vụ mọi người” (9,35) là ba cách nói diễn tả rõ ràng quy tắc hành xử trong cộng đoàn các môn đệ. Sự phục vụ được nói đến ở đây, là dành cho mọi người, không loại trừ ai, và là sự phục vụ mà người môn đệ không được né tránh, cũng không được tự ý chọn làm hay không.

3. Theo chương trình và thánh ý của Thiên Chúa, toàn thể công trình của Đức Giêsu là phục vụ. Chính sứ mạng phục vụ của Đức Giêsu, và là phục vụ đến hiến mạng sống làm giá chuộc mọi người, đã thiết lập nền tảng cho cuộc sống của người môn đệ. Người ta sẽ không thể là môn đệ của Đấng đến để phục vụ, nếu người ta từ chối phục vụ.

4. Cũng chính vì thế, một trong những điểm cốt yếu làm nên thành công của việc truyền giáo chính là đời sống phục vụ. “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (c.45).

Nguồn: VRNs (20.10.2012)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét