Ảnh

Ảnh
Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa. Xin hiệp nhất chúng con như Ngài liên kết với Cha. Xin giải thoát chúng con xa điều bất hòa chia rẽ. Xin kết liên muôn người trong lòng mến Chúa Cha trên trời. Ảnh Huynh đoàn Đa Minh Gx Bắc Hà hành hương bác ái 2014

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Kinh gia đình

Ai cũng có ba loại “tài sản”: Quá khứ, hiện tại, và tương lai.

Ký ức có thể là kỷ niệm vui hay buồn, tốt hay xấu, xa hay gần; nhưng ký ức vẫn mang tính lịch sử, không thể thay đổi. Dù ký ức đó thế nào thì vẫn là “ký ức riêng của mình”. Có những thứ đã qua và đang qua, nhưng đã qua không phải là đã quên, cũng như tha thứ là bỏ qua chứ không phải là quên. “Bỏ qua” và “quên” vừa khác nhau vừa giống nhau.

Nghe chừng nghịch lý, nhưng hoàn toàn hợp lý. Đó là dạng nghịch-lý-thuận.

Ảnh từ internet

Thuở nhỏ, mỗi tối tôi đều “bị” cha mẹ bắt phải lần Chuỗi Mân Côi chung cả nhà, dù muốn làm gì hoặc đi chơi đâu thì trước tiên vẫn phải đọc kinh chung. Dù nhỏ, nhưng sáng nào cũng phải đi lễ sớm từ 4 giờ, ngày nào cha xứ đi vắng, không có lễ, thì cũng phải thức dậy đọc kinh sáng cả nhà, và cũng lần Chuỗi Mân Côi. Đó là “nghiêm luật”, không ai có quyền ý kiến gì!

Ngoài “nghiêm luật” gia đình, tôi còn còn phải giữ thêm “luật” khác: Giúp lễ. Khi nào đến phiên giúp lễ (nay gọi “sang” hơn là lễ sinh), tôi còn kiêm đọc đọc sách thánh. Dù chỉ mới 10 tuổi, tôi chưa hiểu gì sâu sắc, nhưng “nghiêm luật” đó đã giúp tôi “lớn lên” trong đức tin Công giáo.

Theo “thói quen tốt lành”, dù có thể lúc đó tôi chỉ làm theo sự “bắt buộc”, tôi tiếp tục hoạt động ca đoàn với tư cách ca trưởng. Tập hát thời đó không tập ít như ngày nay, vì mỗi tuần thường tập hát 3-5 ngày. Ngoài ra tôi còn kiêm luôn việc ghi đáp ca lên bảng cho cộng đoàn cùng đọc. Nhiệm vụ đó chẳng ai bắt buộc, mà chỉ là tôi tự “chuốc” vào thân mà thôi. Nhưng cái mệt vì nhiệm-vụ-bao-đồng ấy lại trở thành gánh-nặng-thú-vị. Có lẽ người ta cho tôi là “kẻ điên khùng”, mà nghĩ lại tôi tự thấy có lẽ là tôi điên thật! Và đến nay, tôi vẫn đang điên… Làm toàn những chuyện “vô lương”. Chắc là tôi ngu thật: Ngu kinh niên, điên đột xuất, u uất đêm ngày, đọa đày suốt kiếp!

Tôi phải “thú nhận” rằng tôi thực sự tạ ơn Chúa đã cho tôi lớn lên trong môi trường Công giáo như vậy, để tôi có thể hít thở không khí của Tin Mừng, không khí của Đức Kitô và Đức Mẹ. Tôi viết những điều này là có ý chia sẻ chứ không có ý gì khác, thực ra tôi chỉ là một con-số-KHÔNG-to-lớn mà thôi: “Nếu phải tự hào, tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi” (2 Cr 11:30).

Xin trở lại việc đọc kinh. Ngày xưa đọc kinh không ít như ngày nay, đúng nghĩa gọi là “giờ kinh” (chứ không phải “phút kinh”). Mỗi tối, gia đình tôi đều đặn giờ-kinh-chung: Kinh Chúa Thánh Thần, kinh Tin, kinh Cậy, kinh Mến, kinh Ăn năn tội, lần Chuỗi Mân Côi, kinh Dâng mình cho Thánh Tâm Chúa (lạy ơn Trái tim cực trọng Đức Chúa Giêsu đã thương chúng con vô cùng, ai kể cho xiết…), kinh Nữ vương, kinh Thánh Giuse, kinh Bà thánh Anna (bổn mạng Mẹ và các chị tôi), kinh Thánh Thomas Tiến sĩ (bổn mạng Ba và anh em tôi), kinh Dâng Gia đình cho Trái tim Mẹ (quen gọi tắt là Kinh Gia đình), kinh Cám ơn, kinh Vực sâu, kinh Trông cậy, Ba câu lạy, rồi kết thúc.


Dĩ nhiên hồi đó tôi chỉ “miễn cưỡng” chứ chắc hẳn chưa có thể ý thức, nhưng tôi thấy nhờ vậy mà con cái có một thói quen đạo đức tốt lành. Từ đó, dù tôi chỉ đọc “vẹt”, nhưng tôi rất ấn tượng với kinh “Dâng mình cho Thánh Tâm Chúa” và kinh “Dâng Gia đình cho Trái tim Mẹ”, vì trong đó có những lời cầu nguyện rất thấm thía, ăn sâu vào tâm khảm tôi. Vì xã hội thay đổi, người ta bỏ một câu trong kinh “Dâng Gia đình cho Trái tim Mẹ”, rồi không hiểu sao dần dần người ta bỏ luôn kinh này, thậm chí người ta không còn thói quen “đọc kinh chung” mỗi tối nữa.

Thiết tưởng, “đọc kinh chung” là một thói quen tốt lành, vì Chúa Giêsu đã nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, ở giữa họ” (Mt 18:20).

Xin được ghi lại toàn bộ Kinh “Dâng Gia đình cho Trái tim Mẹ” như sau:

Lạy Trái tim Mẹ Đồng trinh Maria là mẫu gương các gia đình, chúng con hết dạ trung thành dâng cho Mẹ gia đình chúng con: mọi người, mọi của cải, mọi sự phiền sầu, đau khổ, sự sống, sự chết. Xin Mẹ làm Nữ vương chỉ huy căn nhà bé nhỏ này.

Thưa:

Gia đình con buồn phiền đau khổ.

Đáp sau mỗi câu thưa:

   Xin Mẹ thống trị gia đình con.

Các câu thưa tiếp theo:

– Gia đình con muốn noi gương gia đình Nadarét.

– Gia đình con xin cho Danh Mẹ cả sáng.

– Gia đình con xin cho Nước Mẹ trị đến.

– Gia đình con xin hoàn toàn vâng theo ý Mẹ.

– Gia đình con xin Mẹ ban hàng ngày dùng đủ.

– Gia đình con xin Mẹ ban cho trên thuận dưới hòa, con cái thảo hiếu, vợ chồng thương nhau.

– Gia đình con xin Mẹ chớ để một ai sa hỏa ngục.

– Gia đình con xin khi lầm than vất vả, Mẹ ban cho sức phấn khởi vui tươi.

– Gia đình con khi có ai qua đời hoặc bệnh nạn, Mẹ ban ơn vui lòng chịu khó.

– Gia đình con khi có người khô khan, mất nết, Mẹ ban ơn thay dạ đổi lòng.

– Gia đình con khi có trẻ mới sinh, Mẹ nhận lấy giữ gìn chăm sóc.

– Gia đình con khi thanh thiếu niên bước vào tuổi trưởng thành, Mẹ hướng dẫn qua những gian nguy.

– Gia đình con khi có kẻ đi kết hôn, Mẹ giữ gìn trong sạch.

– Gia đình con khi có người đi vắng, Mẹ duy trì tình thân ái.

– Gia đình con khi có ai được Chúa gọi đi tu, Mẹ giúp vâng theo ơn Chúa đến cùng.

– Gia đình con xin nguyện không dám trái phép công bình.

Cho con giữ trọn lời nguyền

   (Đáp sau các câu thưa tiếp theo)

–  Gia đình con xin nguyện không dám dâm ô.

–  Gia đình con xin nguyện không dám hằn thù ghen ghét.

–  Gia đình con xin nguyện thi hành ba Mệnh lệnhFatima.

–  Gia đình con xin nguyện trung tín với lễ dâng gia đình này, khuya sớm quây quần dưới bóng Mẹ lành.

Lời nguyện:

Lạy Nữ vương gia đình, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn, sướng khổ, Mẹ con cùng nhau chia sẻ, xa Mẹ chúng con biết cậy trông ai? Đời chúng con gian nan khổ sở lắm, gia đình chúng con long đong tối ngày, nhưng có Mẹ ở bên chúng con, chúng con thấy quên hết ưu phiền, vui sống qua kiếp lưu đày, mong ngày sau sung sướng cùng Mẹ muôn đời trên Thiên đàng. Amen.

Kinh này thật đầy ý nghĩa, nhất là phần “lời nguyện”, nghe rất thấm thía, nhẹ nhàng mà tha thiết, giản dị mà thâm thúy, cầu nguyện cho cả phần hồn lẫn phần xác, và đó cũng là những lời thề hứa với Đức Mẹ. Nghe phần “lời nguyện” mới tha thiết làm sao! Thực sự đó là lời tâm sự của người con nói với người mẹ của mình – Mẹ Maria. Nỉ non như vậy thì làm sao Mẹ có thể làm ngơ được? Tiếc rằng ngày nay rất ít người còn đọc kinh này hoặc giữ thói quen “đọc kinh chung”. Thi thoảng chỉ thấy một số ít người còn dùng phần “lời nguyện”.

Lạy Đức Mẹ Mân Côi, xin cho chúng con biết quyết tâm thực thi ba điều mà Mẹ đã truyền qua Ba Trẻ Nhỏ (*) ở Fatima: Tôn sùng Mẫu Tâm, Lần hạt Mân Côi, và Canh tân Đời sống. Xin Mẹ đồng hành và nâng đỡ chúng con suốt cuộc lữ hành trần gian, đặc biệt là trong Năm Đức Tin này. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

Thoma Aq. Trầm Thiên Thu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét