Ảnh

Ảnh
Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa. Xin hiệp nhất chúng con như Ngài liên kết với Cha. Xin giải thoát chúng con xa điều bất hòa chia rẽ. Xin kết liên muôn người trong lòng mến Chúa Cha trên trời. Ảnh Huynh đoàn Đa Minh Gx Bắc Hà hành hương bác ái 2014

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

Tinh ranh quỉ quái như con Rắn

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

Rắn là một loài động vật không chân tay, thân hình tròn trơn thẳng từ đầu cho tới đuôi, dài hằng thước óng ánh, cùng mềm mại như một dây thừng dài. Vì thế Rắn trườn lướt uốn khúc vượt qua mọi vật ngăn cản giữa lối bò phóng đi thoăn thoắt rất nhẹ nhàng nhanh lẹ.

Rắn sống chui rúc trong lỗ hang dưới mặt đất, trong sườn núi. Nó có thể leo bò lên trên cây cao, bơi lội trong lòng sông nước. Rắn sống và phát triển sinh sôi nhìều trứng nở ra con ở những vùng khí hậu nóng ẩm ướt.


Trong dân gian có quan niệm „gian trá gỉa dối như là loài rắn!“. Định kiến như vậy, vì có nhiều lý do. Trước hết rắn là một loài thú động vật có nọc độc hại cắn bổ gây chết người, khi bị nó cắn, cùng xa lạ với con người về cấu trúc hình thể của nó.Và nhất là về lối nếp sống của nó bao trùm nhiều bí hiểm.

Da loài rắn theo thiên nhiên thay đổi theo từng thời kỳ tuổi tác của rắn, cùng có nhiều vân mầu sọc tự bản chất tùy theo chủng loại rắn. Đó cũng là dấu hiệu của sự gian trá gỉa dối, nhất là cái lưỡi xẻ đôi của rắn lè ra xa rồi co thụt vào rất lẹ làng như có ý đe dọa.

Rắn là hình ảnh biểu tượng cho sự tinh quái, bí hiểm cùng sự dữ điều xấu xa. Dẫu vậy, trong nền văn hóa dân gian, nhất là trong các thần thoại cổ xưa, Rắn cũng có chỗ đứng.

1. Loài Rắn trong niềm tin dân gian

Theo tục lệ tôn giáo thờ kính dân gian bên Phi Châu, Rắn được xem như thần linh.

Bên vùng Trung Mỹ châu thời xa xưa, Rắn được kể là hình ảnh của mưa và của loài thảo mộc.

Theo niềm tin bên Trung Hoa, Rắn là loài sống liên hệ chặt chẽ với đất và nước. Và vì thế, Rắn là hình ảnh của Yin, nữ tính hay âm cực.

Theo thần thoại bên Ấn Độ, Rắn Nagas là vị trung gian làm việc từ thiện, hay cũng mang đến sự bất hạnh giữa các Thần thánh và con người. Vì thế hình ảnh của Rắn thường được liên kết với hình một chiếc cầu vồng.

Cũng theo văn hóa dân gian bên Ấn Độ, loài Rắn Kundalini, được trình bày theo hình ảnh cột xương sống cuộn tròn uốn khúc tới đốt cuối cùng, có gía trị như chỗ đứng của năng lượng vũ trụ, và là hình ảnh biễu trưng của dục vọng.

Vào khoảng cuối thế kỷ thứ ba trước Chúa giáng sinh ở vùng miền Mesopotamien còn để lại hình ảnh con rắn quấn chung quanh một cây gậy „ Askulapstab“. Hình ảnh này là biểu trưng cho Asklepios, một vị thần chữa bệnh trong thần thoại Hylạp. Con Rắn trượng trưng cho sự luôn trẻ lại, do nó hay lột thay đổi da theo từng chu kỳ, cho sự tỉnh táo chú ý cũng như sức mạnh chữa lành. Nên huy hiệu biểu trưng này trở thành huy hiệu của Y khoa, của thuốc chữa bệnh.

Loài rắn Uraeus được xem như vị nữ thần đại diện cho nhiều nữ thần. Theo thần thoại vị nữ thần Rắn là con mắt của thần mặt trời.

Theo văn hóa bên Do Thái, loài Rắn là loài đe dọa nguy hiểm sự sống cho con người.

2. Loài rắn trong Kinh Thánh

Ít có loài động vật nào trong nền văn hóa người Do thái cổ xa xưa được bàn đến nhiều như loài rắn. Rắn được bàn luận nói đến theo khía cạnh vừa theo trí óc tưởng tượng phác họa thêm thắt hấp dẫn, vừa theo khía cạnh sợ sệt kinh hãi, đã trở thành một hình ảnh biểu tượng kinh hoàng.

Rắn biểu tượng hiện thân vừa cho sự tốt và cùng vừa cho sự dữ xấu xa,vừa là nguy hiểm gây ra sự chết và vừa là biểu tượng sự sống triền miên bất tử không chết, cũng là biểu tượng cho tính dục, cho sự khôn ngoan, và là thuốc chữa lành...

Trong sách Sáng Thế ký, Rắn là loài ma quỉ dữ cám dỗ Bà Eva phạm lỗi giới răn ngăn cấm của Thiên Chúa. Và do đó Ông Bà nguyên tổ Adong Evà cùng loài người phải gánh chịu hình phạt đau khổ, bệnh tật và sau cùng phải chết.

Và cũng từ đó con rắn ma qủi bị Thiên Chúa trừng phạt nguyền rủa phải ăn bụi đất, phải sống bò bằng bụng. Và sau cùng trở thành địch thù của người phụ nữ. Đây là lời loan báo hình bóng nói về Đức Mẹ Maria sau này sẽ hạ sinh Chúa Giêsu Con Thiên Chúa, Đấng đến trần gian mang ơn cứu chuộc cho con người. (St 3,1-19)

Rắn cũng có khi được cho là cùng dòng họ với loài Cá Xấu và con Rồng theo ý nghĩa tiêu cực, như trong sách Tiên Tri Isaia nói đến (Isaia 27,1).

Thánh Gioan trong sách Khải huyền diễn tả con rắn ngày xưa cám dỗ Bà Evà như một con rồng to lớn bị đánh nhận chìm xuống mặt đất. ( KH 23,9)

Để cứu dân Do Thái khỏi cuộc sống làm nô lệ bên Ai Cập, được trở về quê hương Do Thái, Thiên Chúa đã nhiều ban quyền năng thiêng liêng cho Tiên Tri Maisen tinh thần cùng trí khôn sáng suốt tài ăn nói vào xin đối chất với nhà Vua Pharao.

Ngoài ra, Thiên Chúa còn ban cho Maisen khả năng làm phép mầu biến hóa tăng cường uy lực cho Ông để đe dọa cùng thuyết phục Vua Pharao cho phép dân Do Thái ra đi. Thiên Chúa đã ban cho Maisen phép mầu tài năng biến cây gậy trong tay thành những con rắn bò cắn nuốt những con rắn của các thầy phù thủy trong cung vua Pharao. (XH 4,3; 7,15 )

Trong hành trình từ Ai Cập trở về quê hương đất nước Do Thái, dân chúng đã phản bội không trung thành với Thiên Chúa. Nên Ngài đã cho rắn bò vào cắn nhiều người bị chết. Họ cầu cứu Thánh Tiên Tri Maisen. Theo lệnh Chúa truyền, Ông Maien đã làm một con rắn bằng đồng treo cao trên một cái gậy. Hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên đó sẽ được cứu sống. (Ds 21,6-8)

Theo phúc âm Thánh Gioan, con rắn đúc bằng đồng treo trên cây trong sa mạc thời Maisen là biểu tượng hình ảnh sau này Chúa Giêsu bị đóng đinh treo trên thập gía mang đến ơn cứu chuộc cho linh hồn con người được chữa lành giải thoát khỏi hình phạt tội lỗi. ( Ga 3,14.)

3. Loài rắn trong nếp sống dân gian

Vì chất nọc độc hại của Rắn cắn phun ra, nên loài rắn là hình ảnh biểu trưng cho sự chết. Có nhiều truyện thuật kể lại, người bị rắn cắn thường chết nhanh lẹ. Vì thế loài rắn xưa nay được cho là sức mạnh của thế giới ma qủi nhập vào trần gian. Dẫu vậy, loài rắn cũng còn được kể là hình ảnh tượng trưng cho mặt trời, vì rắn thích sống nơi ánh nắng ấm của mặt trời.

Da loài rắn không chỉ có ý nghĩa tượng trưng tiêu cực, mà còn mang ý nghĩa tích cực nữa. Vì rắn theo từng chu kỳ lại thay đổi da, nên nó cũng mang hình ảnh tượng trưng cho sự tươi trẻ đổi mới lại, sự sống lại nữa. Cùng trong ý nghĩa đó, loài rắn còn được nghi ngờ cho là có ý nghĩa về gieo rắc giống loại tinh trùng.

Rắn là con vật thứ sáu trong vòng tính theo chu kỳ âm lịch mỗi năm một con vật đứng đại diện chủ trì suốt một năm. Rắn cũng là loài con vật độc hại thứ năm trong các con vật độc hại. Nó được kể vào loại khôn ngoan tinh quái cùng độc dữ .

Theo truyền thuyết dân gian, Rắn là một thứ loại thuốc chữa bệnh. Bên Á Châu, người ta ăn thịt rắn nhiều. Vì tin rằng thịt rắn tốt cho con mắt. Nhưng trái lại, mỡ rắn lại rất nguy hiểm độc hại.

4. Con rắn hiện thân của tội lỗi sự dữ

4.1. Hình Đức Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội đứng trên qủa địa cầu, chân đạp trên con rắn sự dữ xấu xa tội lỗi. Nó bị Đức Mẹ do quyền năng của Chúa ban cho đã chiến thắng đè bẹp nó, đúng như lời Thiên Chúa đã nói trước trong sách Sáng Thế, người phụ nữ là Đức Mẹ Maria sẽ đạp dập đầu nó. (St 3, 1-16)

4.2. Hình Tổng lãnh Thiên Thần Micae trong tư thế một binh sĩ chiến đấu tay cầm gươm đâm con rồng rắn ma quỉ dưới chân, như trong sách Khải huyền của Thánh Gioan thuật lại trận chiến trên trời Tổng lãnh Thiên Thần Micae đã chiến thắng thần dữ ma qủi nổi loạn chống lại Thiên Chúa.

„Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Mi-ca-en và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà. Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến.8 Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên trời nữa.9 Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó“ ( KH 12,7-10)

4.3. Thánh Georg, vị Thánh bổn mạng của Hướng Đạo, kính ngày 23.04., là một sĩ quan trong quân đội của thời hoàng đế Diokletiano. Vì Ông nhất quyết không chối bỏ đức tin Kitô giáo, nên bị hành hạ tra tấn và sau cùng bị chém đầu chết tử đạo.

Truyền thuyết thuật lại, ở ngoại ô thành Silene có một vùng bùn lầy, nơi đó là chốn cư ngụ của một con rồng rắn rất nguy hiểm dữ tợn gây tai họa, gieo rắc lo âu sợ hãi cho người dân trong vùng. Dân chúng vùng này hằng ngày phải đem hai con cừu ra cho nó ăn. Dần dần nguồn cung cấp cạn hết, họ phải đem cả trẻ con ra cho nó ăn thịt.

Nghe kể lại sự tình đau lòng, Georg cưỡi ngựa lòng đầy khí thế giận dữ xông đến quyết chiến đấu chống lại con rồng rắn dữ tợn nguy hiểm này. Sau một trận chiến dài cam go, Georg đã thắng trận đâm chết con rồng rắn qủi dữ này, cứu cho người dân trong vùng khỏi tai ương đe dọa tới mạng sống do thần dữ ma quỉ con rồng rắn gây tạo ra.

Vì thế Thánh Georg được vẽ là một người lính cưỡi ngựa trong quân phục một kỵ binh tay cầm cây đao nhọn đâm con rồng rắn hiện thân của ma qủi đang giãy dụa cất cao đầu lè lưỡi chống lại nằm dưới chân ngựa của Ông.

4.4. Thánh Benedicto thành Nursia, người sáng lập Dòng Biển Đức với câu châm ngôn Ora et labora - Cầu nguyện và làm việc - làm kim chỉ nam căn bản cho nếp sống đời tu hành trong nhà Dòng, được tạc hình tượng tay bên phải cầm chiếc gậy mục tử, tay bên trái cầm chiếc ly có con rắn nhỏ đang lè lưỡi trồi lên khỏi miệng chiếc ly.

Theo truyền khẩu thuật lại, Bendicto được các thầy Dòng kính trọng vì lòng đạo đức cùng nếp sống nhiệm nhặt của Ông. Họ mời Benedicto về làm bề trên nhà Dòng. Sau thời gian dài suy tư cầu nguyện, Benedicto đã ưng thuận sự bầu cử chọn lựa của anh em trong nhà.

Thấy lối sống trong nhà Dòng lỏng lẻo thiếu kỷ luật, vị Tu viện trưởng Benedicto muốn chấn chỉnh lại đời sống trong Dòng sao có kỷ luật đạo đức. Ông đề ra luật lệ sống và liên lỉ cố gắng thuyết phục anh em sống theo kỷ cương đó. Nhưng Benedicto luôn gặp phải sự phản kháng chống đối của anh em trong nhà. Họ không chiụ đựng nổi nếp sống kỷ luật bó buộc do Benedicto đề ra. Nên họ tìm cách làm sao loại trừ Tu viện trưởng Benedicto.

Một tu sĩ đã nhiều lần bị Tu viện trưởng Benedicto cảnh cáo khiển trách, vì lối sống thiếu kỷ luật của vị tu sĩ này. Nên ông ta đã đưa ra ý nghĩ điên rồ là đầu độc Tu viện trưởng Benedicto bằng thuốc độc.

Chính vị tu sỹ này pha chất thuốc độc vào chiếc ly rượu nho của Tu viện trưởng Benedicto, và đem cho ngài uống. Khi vị tu sĩ đem chiếc ly rượu nho có thuốc độc đến cho Benedicto, Cha Benedicto theo thói quen đạo đức thánh thiện giơ tay làm phép chúc lành chén rựơu. Thấy vậy, Vị tu sĩ này tinh thần hoảng hốt run sợ vì hành động tối tăm tội lỗi của mình, nên đã để cho ly rượu rớt xuống nền nhà bể tan.

Thấy như vậy, Cha Benedicto hiểu ra ý muốn âm mưu đen tối của anh em trong nhà Dòng này không còn muốn chấp nhận mình nữa. Họ không muốn sửa chữa mình để nên tốt. Và ngay trong ngày hôm đó, ngài rời bỏ tu viện, ra đi xây dựng nếp sống khổ tu sao cho trở nên hoàn thiện như ý Chúa muốn.

Hình ảnh vẽ tạc Thánh Benedicto tay trái cầm chiếc ly rượu có con rắn nhỏ thè lưỡi nhọn nằm trong ly rượu muốn nhắc đến biến cố đen tối này. Và ngài đã được Chúa cứu cho qua khỏi tai ương độc dữ trong đường tơ kẽ tóc. Hình ảnh này cùng muốn diễn tả sự tinh quái tội lỗi cùng độc hại của tư tưởng đen tối do con người suy nghĩ bày ra, như con rắn.

.....................................

Theo chu kỳ luân phiên cứ 12 năm lại đến phiên con Rắn ra làm chủ trì một năm. Đó là theo văn hóa dân gian bên Á Đông chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa từ ngàn năm xa xưa đã ăn rễ sâu trong nếp sống xã hội. Năm mới âm lịch có tên Qúy Tỵ (con Rắn)̣ bắt đầu vào ngày 10.02.2013.

Trong dân gian có những suy nghĩ cùng tin tưởng suy đoán tốt xấu khác nhau về năm con Rắn. Nhưng người có đức tin vào Thiên Chúa luôn đặt đời sống mình trong bàn tay che chở quan phòng của Ngài. Vì Ngài là Đấng tạo dựng nên đời sống con người cùng mọi loài thú vật, cũng như cây cỏ trong thiên nhiên.

Con Rắn là loài thú vật do Thiên Chúa tạo dựng nên trong vũ trụ. Trong khu vườn sáng tạo của Thiên Chúa không chỉ có loài hiền lành, mà còn có cả loài dữ tợn nguy hiểm nữa. Mà loài rắn là một trong những loài tinh khôn cùng nguy hiểm.

Điều này nói lên mầu nhiệm trong chương trình của Thiên Chúa trong vũ trụ mà con người không sao hiểu hết được.

Và đó cũng cũng là động cơ thúc đẩy con người phải luôn học hỏi tìm tòi khám phá những bí mật còn đang ẩn dấu trong thiên nhiên.

Loài rắn nhanh lẹ khôn lanh. Nên Chúa Giesu đã lấy đó làm ví dụ cho cung cách trong đời sống: „ Hãy sống hiền lành như chim Bồ Câu, và khôn ngoan như con Rắn.“ ( Mt 10,16.)

Và nơi cây gậy mục tử của các Giám mục theo lễ nghi Byzantin và Chính Thống Cốp có hình con rắn được khắc chạm trên đó.


Chúc mừng năm mới Tết Nguyên Đán Qúy Tỵ ̣

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét